23-01-2024

Xuất khẩu "SỐC" theo giá cước tàu

Hàng loạt hãng tàu nước ngoài phát thông báo tăng cước vận tải biển do ảnh hưởng xung đột tại khu vực biển Đỏ khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt với khó khăn chưa dứt.
Cước vận tải biển tăng từ 50 - 200%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP): Xuất khẩu thủy sản của VN sẽ thêm nhiều khó khăn khi cước tàu biển bắt đầu tăng mạnh. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1.2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực biển Đỏ.


Cước vận tải biển tăng cao là thách thức lớn cho doanh nghiệp (Ảnh: Cảng Tân Vũ - Hải Phòng)

Theo các doanh nghiệp (DN), bắt đầu từ tháng 1.2024, cước vận chuyển từ VN đến cảng Los Angeles (bờ tây của Mỹ) tăng 800 - 1.250 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023, giá cước ở mức 1.850 USD nay tăng lên 2.873 - 2.950 USD. Cước từ VN đến New York (bờ đông của Mỹ) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 - 1.750 USD, tùy tuyến. Cụ thể, tháng 12.2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100 - 4.500 USD.

Cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh, cụ thể đi Hamburg (Đức) tháng 12.2023 là 1.200 - 1.300 USD, thì sang đầu năm nay tăng lên 4.350 - 4.450 USD, tăng hơn gấp đôi.

Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do xung đột Hamas - Israel, lực lượng chính trị - quân sự Houthi ở Yemen tấn công các tàu bị cho là liên quan Israel khi đi vào biển Đỏ. Vì thế, các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn (vòng quay 1 chuyến tàu mất khoảng 2 tuần). Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

"Cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN", VASEP cho hay.


Cước vận tải biển tăng cao là thách thức lớn cho DN

Không chỉ thủy sản, xuất khẩu dệt may, nông sản, gỗ là những ngành đang gánh chịu tác động nặng nề của cước tàu biển tăng.

Ngày 9.1, đại diện Công ty TNHH may mặc Dony cho biết lô hàng áo quần của công ty xuất khẩu sang Jordan, bị neo tại cảng Singapore đã gần 3 tuần vì cảng phía khách hàng vẫn chưa tiếp nhận được hàng. "Hãng tàu định lại tuyến khác nên chậm từ 10 - 14 ngày. Ngay từ đầu năm mới, DN làm hàng xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn vì cước vận tải tăng đột ngột mà không trở tay kịp", ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, thông tin.

Phúc Sinh Group, một trong những DN xuất khẩu nông sản hàng đầu VN với nhiều mặt hàng như cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng gia vị, thông tin trung bình mỗi ngày, Phúc Sinh xuất khẩu 5 - 10 container hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi xảy ra căng thẳng ở biển Đỏ, cước tàu biển tăng quá nhanh khiến hoạt động xuất khẩu của DN này đình trệ, giảm mạnh. Đại diện công ty thông báo, hiện cước tàu biển từ VN đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 USD/container; hàng đi Mỹ tăng hơn 100% từ gần 2.000 lên 4.500 - 5.000 USD/container. Đáng kể nhất là hàng hóa đi thị trường EU tăng mạnh từ mức 600 lên 4.000 USD/container.

DN xuất khẩu khó chồng khó
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, nhận xét: "Cước tàu tăng "điên loạn", đã kéo dài hơn 1 tháng nay, chủ yếu là do các hãng tàu muốn tranh thủ cơ hội. Một DN có tiềm lực như Phúc Sinh còn đang phải chới với vì cước thế này thì chắc chắn các DN nhỏ hơn sẽ rất khó khăn". Giá cà phê nguyên liệu đã tăng cao, nay cước phí cũng tăng mạnh, nên không biết thị trường sẽ chấp nhận được bao lâu.


Các ngành xuất khẩu nông thủy sản vốn thuận lợi nay đang gặp nhiều khó khăn vì cước vận chuyển tăng

"Hiện tại, chúng tôi phải tạm dừng xuất khẩu và thảo luận lại hợp đồng với các đối tác theo hướng chia sẻ rủi ro và chi phí theo hướng mỗi bên gánh 50%. Dù là khó khăn khách quan nhưng tình hình đang rất khó khăn với hoạt động xuất khẩu nông sản của DN", ông Thông nói.

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất - thương mại Sadaco TP.HCM, hiện đã qua mùa cao điểm tiêu thụ gỗ và các sản phẩm gỗ. Các đơn hàng mới cho quý 1/2024 chỉ chiếm 20 - 30% so với trung bình các năm trước. Số lượng đơn hàng khá thấp, chủ yếu để thăm dò thị trường. Tuy vậy, yêu cầu của khách là cần có mẫu mã mới, chất lượng tốt và giá cạnh tranh hơn. Các DN trong lĩnh vực này đang phải xoay xở mọi cách nhằm tiết giảm chi phí để tồn tại và "gồng mình" để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Mạnh lo lắng nói: "Việc cước tàu tăng như thời gian qua như một đòn mạnh đánh thẳng vào nỗ lực tồn tại của DN. Cước hiện chỉ tăng một số tuyến, nhưng chúng tôi lo lắng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng domino lên tất cả các chuyến khác cũng như cả ngành logistics. Nhiều DN không biết có thể tiếp tục "gồng mình" được đến khi nào!".

Nguồn: Báo Thanh Niên